Môi trường xanh

 1. Những ngày cuối năm bầu không khí của Hà Nội luôn thất thường bởi ô nhiễm, chỉ số AQI (Air Qualiti Index) trung bình hơn 200 (ở mức xấu có hại đến sức khỏe), nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 8 lần Quy chuẩn Quốc gia và 20 lần so với ngưỡng trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trên sóng truyền hình Việt Nam thường xuyên thông báo tình hình ô nhiễm môi trường không khí để nhân dân biết mà có biện pháp phòng tránh mỗi khi ra đường. Trước đây, chỉ số đánh giá chất lượng không khí hay bụi mịn kia chỉ có giới chuyên môn liên quan đến lĩnh vực môi trường và y tế quan tâm, gần đây nó được mọi người dân nhắc đến với sự lo ngại sâu sắc.

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn (từ môi trường đất, môi trường nước đến môi trường không khí), gây tác hại cho sức khỏe của con người và các loài sinh vật khác. Ô nhiễm môi trường chủ yếu là do con người gây ra và một số tác động của thiên nhiên (như thay đổi bất thường của thời tiết, bão lũ, lụt, hỏa hoạn, động dất, sóng thần…). Ô nhiễm môi trường đồng hành với sự tiến hóa của loài người từ khi tìm ra lửa và sự phát triển của nền văn minh nhân loại qua các cuộc cách mạng công nghiệp và đô thị hóa.

 

Ở nước ta, do xuất phát điểm nền kinh tế lạc hậu, khoa học kỹ thuật chậm phát triển, lại trải qua mấy thập niên chiến tranh… nên vấn đề ô nhiễm môi trường không khí sẽ được quan tâm. Cách đây hơn ba mươi năm, khi mà tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra còn chậm, xây dựng nhà cửa, chung cư, khu đô thị mới còn chưa phát triển, Hà Nội cũng chưa mở rộng lên đến hơn ba ngàn km2 như bây giờ, thì môi trường sống của thành phố còn sạch sẽ, vì ít khói bụi và rác thải, nước bẩn. Phố xá người chưa đông đúc, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, xe máy, không có cảnh tắc đường, kẹt xe nên bầu không khí trong lành hơn. Sau hơn ba mươi năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân đã khá lên, nhất là ở các đô thị. Ra phố người đi như nêm, cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại đầy ăm ắp. Ô tô xe máy chạy kín đường. Cả thành phố như một đại công trường. Chỗ nào cũng cải tạo, xây dựng, làm đường sắt trên cao, hầm chui, cầu vượt. Chung cư cao tầng chen nhau mọc lên ở ven các đại lộ, vành đai 2, vành đai 3 và cả ở các phố khu vực trung tâm. Bụi, khói, khí độc do thi công xây dựng, do phế thải, do vận chuyển vật liệu, do các nhà máy nằm trong thành phố vẫn đang sản xuất mà chưa chịu di dời, do ngàn vạn xe ô tô, xe gắn máy, xe công nông, ba bánh tự chế chạy tung hoành trên đường phố… tất thảy ngày đêm thải vào bầu không khí vô vàn tấn CO2 và bụi mịn. Đấy là chưa kể đến cái mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ nước tù đọng, đen ngòm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đã mấy chục năm qua, vô tư  đổ vào các dòng sông đang chết và sẽ chết của thành phố. Như quy luật, khi đời sống khá lên, cái ăn cái mặc, cái đói cái rét không còn phải lo nữa, thì người  ta nghĩ đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà sang, đi xe xịn và chăm lo đến sức khỏe. Thế nên, chưa bao giờ câu chuyện thực phẩm sạch, nước sạch và ô nhiễm môi trường lại được nói đến nhiều như bây giờ. Ô nhiễm không khí trở thành chuyện của Quốc gia, của Chính phủ, của Quốc hội. Vừa qua, chỉ cái vụ Nhà máy Nước sông Đà cung cấp cho mấy chục vạn dân Thủ đô nước bẩn, nhiễm chất độc dầu thải do mấy kẻ bất lương đổ trộm vào đầu nguồn nước đã dấy lên sự phẫn nộ trong xã hội và công luận. Đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải bức xúc kêu lên ngay giữa nghị trường Quốc hội là bản thân ông và gia đình cũng phải dùng nước bẩn sông Đà đến 3 ngày. Bây giờ là câu chuyện không khí bẩn với các chỉ số AQI, PM2,5 cao đến mức đe dọa sức khỏe của người dân.

2. Ô nhiễm môi trường không chỉ riêng nước ta, mà nó là vấn đề toàn cầu. Một số nước mà tôi có dịp đi qua như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Trung Quốc… hay ở khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đang phải đối mặt với bầu không khí bị ô nhiễm, nhất là ở các đô thị lớn, trung tâm công nghiệp lớn. Theo thông cáo của WHO, thì chỉ riêng năm 2016, ô nhiễm không khí đã gây ra cái chết sớm cho 4,2 triệu người, mà trong đó 91% thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Còn theo đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu các tác động đến sức khỏe toàn cầu HEI (Health Effects Istitute) trên cơ sở dữ liệu thu thập từ vệ tinh năm 2018 thì 95% dân số Trái đất đang hàng ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Và ô nhiễm môi trường không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và… hút thuốc lá!.

Nước ta đang phát triển theo hướng bền vững, trong đó bảo vệ môi trường là mục tiêu có tính chiến lược. Chúng ta đang phải đối mặt trước hiểm họa do thiên tai gây ra ngày càng khốc liệt hơn, gây thiệt hại lớn hơn, khó lường hơn bởi biến đổi khí hậu. Do đó hơn lúc nào hết, câu chuyện về bảo vệ môi trường không chỉ là chuyện ở tầm vĩ mô của Chính phủ, của Nhà nước, mà đó còn là nhận thức, trách nhiệm của mỗi công dân, của toàn xã hội trong cuộc sống thường ngày.

 

Câu châm ngôn của ngàn xưa “Gieo nhân nào, gặt quả nấy” hàm chứa triết lý sâu xa về quy luật muôn đời của tạo hóa và nhân sinh, chúng ta nhiều suy ngẫm trong thời hiện đại. Một đô thị được quy hoạch tốt, quản trị tốt, cư dân biết tuân thủ pháp luật sẽ tạo ra một môi trường sống an toàn, bền vững. Ở đó, nhà cửa được xây dựng theo quy hoạch, không có chuyện xây dựng trái phép và không phép. Ở đó, đường phố rợp mát bóng cây xanh, vỉa hè dành cho người đi bộ luôn thoáng đãng, ngăn nắp và trật tự cho dù có hoạt động buôn bán, kể cả những quán hàng rong. Ở đó, phương tiện giao thông chủ yếu là các phương tiện công cộng với nguồn nhiên liệu sạch chạy cả trên mặt đất và dưới lòng đất. Ở đó, các dòng sông, hồ nước trong thành phố được hồi sinh, mặt nước trong xanh không bị nhiễm bẩn bởi nước thải và rác thải. Ở đó, các không gian công cộng, vườn hoa, công viên, thảm thực vật được quan tâm chăm sóc xanh mướt cỏ cây và rực rỡ sắc hoa. Ở đó, mỗi cư dân luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không vứt xả rác bừa bãi. Ở đó, các công trình xây dựng đều được che chắn để đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động xung quanh. Ở đó, con người sống bình yên, thân thiện với nhau và thân thiện với môi trường. Ở đó, có một chính quyền liêm chính và tài năng trong quản trị. Và ở đó, văn hóa đô thị luôn được bồi đắp để trở thành nếp sống, lối sống văn minh, cái gốc của sự phát triển bền vững.

Đó là mơ ước không hề viển vông bởi nó phù hợp với quy luật của sự phát triển mà rất nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện.

3. Chúng ta đang chuẩn bị hành trang với quyết tâm chính trị lớn lao để bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gọi tắt là 4.0, với nền tảng của công nghệ số, của Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và đô thị thông minh. Hà Nội đang là thành phố tiên phong hợp tác với Nhật Bản xây dựng thành phố thông minh (trên diện tích 272 ha ở huyện Đông Anh, Hà Nội) với nguồn vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Đây sẽ là đô thị thông minh đầu tiên của nước ta, mở đầu cho việc xây dựng hàng loạt các đô thị thông minh ở khu vực phía Bắc, miền Trung, miền Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong chiến lược phát triển đô thị của Chính phủ.

Đó là chuyện của mươi năm nữa với hy vọng những ai được sống ở thành phố thông minh sẽ được hưởng bầu không khí thật trong lành. Còn bây giờ, ngày ngày chúng ta vẫn phải nghe cảnh báo về ô nhiễm không khí qua sóng truyền hình và truyền thông với các mức độ nguy hại đến sức khỏe, để mà liệu cách phòng ngừa mỗi khi bắt buộc phải ra đường (mà cũng chỉ là phòng ngừa thôi vì cái bụi mịn PM2,5 kia nó nhỏ li ti lắm, không loại khẩu trang nào bảo vệ được).

Và vì thế, hơn lúc nào hết, rất mong chính quyền thành phố có ngay những biện pháp quyết liệt, hiệu quả và thông minh để làm cho bầu không khí trong sạch hơn, môi trường sống bớt bị ô nhiễm hơn, xanh hơn… cùng với các dòng sông trong thành phố sẽ được hồi sinh.

Đăng nhận xét