Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. 



Những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm.
Kinh tế xanh và xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới
 
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
 
Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
 
Những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
 
Xu hướng phát triển công nghiệp xanh
 
Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.
 
Phát triển ứng dụng năng lượng sạch trong các ngành công nghiệp
 
Việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được nhiều nước, nhất là các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng phát triển công nghiệp xanh, các nước đang tập trung phát triển nhiên liệu biogas. Nhiên liệu biogas là năng lượng tái tạo từ các chất hữu cơ, chất thải chăn nuôi, bùn thải, có thể thay thế điện hay các nhiên liệu đốt trong để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất mà không gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một nghiên cứu ứng dụng khả thi, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường.
 
Ở Nhật Bản, Chính phủ đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối. Sau hơn 10 năm triển khai chiến lược này, đến năm 2015 Quốc gia này đã có khoảng 216 đô thị đạt danh hiệu này. Ở Đức, Luật Năng lượng tái tạo có hiệu lực từ năm 2000, đã đưa ra cơ chế khuyến khích ưu tiên phát lên lưới điện quốc gia những nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối và địa nhiệt). Trong khi đó, một số quốc gia phát triển khác đang nghiên cứu chế tạo dầu sinh học để phát triển biodiesel, có tác dụng thay thế dầu diesel để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất.
 
Khuyến khích sản xuất máy móc, thiết bị thân thiện với môi trường
 
Những thập kỷ gần đây, vấn đề tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường cùng những quy định khắt khe về khí thải đã khiến ngành công nghiệp ô tô đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để sản xuất được động cơ giá thành rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo tính năng vận hành? Động cơ điện, năng lượng mặt trời, đã được phát minh, tuy đây là nguồn năng lượng sạch nhưng lại rất khó ứng dụng. Và động cơ hybrid ra đời đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Tuy động cơ hybrid chưa hoàn toàn “sạch” nhưng động cơ này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhân loại. Những chiếc xe ô tô hybrid sử dụng động cơ tổ hợp gồm 1 động cơ điện kết hợp với 1 động cơ đốt trong đã được nghiên cứu sản xuất cho ra thị trường. Động cơ đốt trong với nhiên liệu là xăng hoặc diesel như thông thường, còn động cơ điện hoạt động nhờ dòng điện tái tạo từ động cơ đốt trong hoặc từ nguồn pin trên xe...
 
Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh
 
Mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.
 
Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp xanh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính.
 
Nhiên liệu sinh học có tác dụng bảo vệ môi trường nhiều hơn so với nhiên liệu hóa thạch, song nếu trực tiếp sử dụng lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ một thì sẽ lãng phí rất nhiều lương thực. Theo báo cáo của Chính phủ Brazil, năm 2008, nhiên liệu sinh học chiếm 2% trong tổng lượng nhiên liệu của đất nước này và tăng lên 9% trong năm 2017, giúp nước này tiết kiệm 870 triệu USD mỗi năm. Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu sản sinh từ các nhà máy dầu như hướng dương, đậu tương, mỡ động vật.
 
Xu hướng phát triển dịch vụ xanh
 
Trong lĩnh vực dịch vụ, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. 
 
Du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng gia tăng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch triển khai ngày càng đưa ra nhiều chương trình du lịch “xanh”, trong khi các chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững. Một trong những tiêu chí hàng đầu của du lịch xanh được đưa ra là “Dịch vụ du lịch kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên”.
 
Trong đó, quy định: (i) Các loài sinh vật hoang dã khai thác từ tự nhiên được tiêu dùng, trưng bày hay mua bán phải tuân theo quy định; (ii) Không được bắt giữ các loài sinh vật hoang dã, trừ khi đó là hoạt động điều hòa sinh thái; (iii) Việc kinh doanh có sử dụng các loài sinh vật bản địa cho trang trí và tôn tạo cảnh quan cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn; (iv) Đóng góp ủng hộ cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm việc hỗ trợ cho các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; (v) Các hoạt động tương tác với môi trường không được có bất kỳ tác hại nào đối với khả năng tồn tại của quần xã sinh vật, cần hạn chế, mọi tác động tiêu cực lên hệ sinh thái cũng như có một khoản phí đóng góp cho hoạt động bảo tồn hệ sinh thái.
 
Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
 
Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…
 
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững. Cùng với những thuận lợi trong việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là những khó khăn, thách thức có thể kể tới như:
 
Thứ nhất, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, mong muón do vậy sẽ khó thực hiện.
 
Thứ hai, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường. Trên thực tế hiện nay, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn, vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.
 
Thứ ba, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “xây dựng nền kinh xanh”. Mặc dù, Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai “nền kinh tế xanh”. Hơn nữa, cơ chế chính sách thực hiện “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa rõ ràng, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.
 
Thứ tư, mặc dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn mang tính lẻ tẻ, chưa đồng bộ, do khu vực này chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển rõ ràng theo hướng xanh.
 
Tóm lại, phát triển kinh tế đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia trong việc hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xã hội và đảm bảo một môi trường bền vững. Một nền kinh tế xanh với những khu công nghiệp xanh ít khói bụi, sử dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường, những vành đai xanh, những khu du lịch sinh thái quy mô nhằm thiết lập lại hệ sinh thái cân bằng đang là xu hướng phát triển chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ ở xuất phát điểm. Với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.  

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn