Kinh tế Việt năm trong nhưng năm gần đây.

 Năm 2020, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 nãm 2016 - 2020.

 
Kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, nhất là các lực lượng tiền phương chống dịch, như: Y tế, quân đội, công an, ngoại giao và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, cùng cả nước đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Thành công này thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của Việt Nam, đồng thời, tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động KT-XH, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
 
                                               
                                                 Ảnh minh họa, nguồn Internet

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% so năm 2015; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt cao nhất trong lịch sử, tăng 1,7 lần (từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên 516,6 tỷ USD năm 2020). Nnăm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vẫn đạt 543,9 tỷ USD; xuất siêu 5 năm liên tiếp, năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, trở thành
một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế; du lịch tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2015. Thị trường nội địa được chú trọng; quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực.

Hệ thống pháp luật đã hình thành khá đầy đủ và toàn diện, kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng trên các lĩnh vực.

Các loại thị trường vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế. Thị trường chứng khoán phát triển khá ổn định; kết nối cung cầu thị trường lao động hiệu quả hơn; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; đã nghiên cứu, phát triển thành công một số công cụ, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; thu hút nhiều dự án công nghệ cao của một số tập đoàn hàng đầu thế giới.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia có bước phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng đã được khởi công, xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả.

Các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước được chú trọng; các quy định pháp luật liên quan được rà soát, hoàn thiện. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan toả cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%. Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều DNNN được nâng lên.

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 đã có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%); xuất khẩu nông sản năm 2020 ước đạt trên 41 tỷ USD. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao phát triển nhanh.
Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện

Chính sách đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện, đời sống người có công được nâng lên. Đến nay, có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội gấp hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động.

Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 75% năm 2015 lên 90,85% năm 2020.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn.

Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực; các giá trị tốt đẹp của dân tộc được phát huy. Các lễ kỷ niệm lớn, sự kiện quan trọng của đất nước được tổ chức trang trọng, thiết thực và an toàn. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh; thể thao thành tích cao có bước tiến bộ. Đã trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện, Việt Nam thuộc nhóm nước có mức phát triển con người cao của thế giới, xếp hạng 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2019).
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu chuyển biến rõ nét

Năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng bị thiên tai, đặc biệt là bão lũ, sạt lở đất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua; Chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên, khoáng sản, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép; Phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, ứng phó các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn được chú trọng. Thực hiện hiệu quả các chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long). Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN lần lượt đạt 8,68% và 7,56%. Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Tập trung thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đi vào nền nếp, chất lượng giải quyết hồ sơ có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 97%.
Tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi; các mô hình kinh doanh mới và phong trào đổi mới, sáng tạo được đẩy mạnh. Mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015.
Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế. Kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều mô hình mới, hiệu quả.
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng từ xếp hạng 88/183 năm 2010 lên xếp hạng 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng và có chuyển biến tốt…


Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng
 
Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc. Thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; tình hình tội phạm, tai nạn giao thông giảm dần.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng; ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do. Đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được khẳng định và nâng cao.

Có thể nói, sau 5 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực khi rất thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Đặc biệt với Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020 đã khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn